Số là vợ chồng Sơn đã quyết tâm xây dựng một tổ ấm mới trên miếng đất 300 m2 ở Thủ đức với rất nhiều ý tưởng "vĩ đại" được đưa ra cho bên thiết kế. Câu đố của chủ nhà là làm sao có sự kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây giữa tính hiện đại và sự hoài niệm. Sơn là người miền Tây nên hắn vẫn thích hình ảnh của một nhà rường Nam bộ trong không gian hiện đại của căn nhà mới. Phản gỗ nâu sòng, mái ngói âm dương được chống bởi các cột gỗ to nổi bật trên nền gạch tàu là một vài nét đặc trưng văn hóa của nhà xưa miền Tây. Tôi thích ý tưởng đó của Sơn vì bản thân tôi cũng muốn có một không gian thư giãn mang vẻ hoài cổ, nét chân phương và sự tĩnh lặng của miền quê sông nước. Bản chất con người là sự hoài niệm mà, right?
Với tư tưởng "Tìm về nét văn hóa cổ xưa", Sơn đã rủ chúng tôi đi thăm nhà cổ Nam bộ ở Nhơn trạch và nơi chuyên dựng nhà cổ ở Bình dương. Điểm đặc biệt của chuyến đi này là chỉ toàn là các ông bao gồm 4 ông già - Sơn, T, K, H (gần 50 tuổi) và 1 ông trẻ (vừa qua 5 tuổi - Ti con T). Chắc chỉ có mấy ông mới khoái ba cái vụ "hoài cổ" này chắc? Căn nhà cổ tương đối dễ tìm. Sau khi qua phà Cát lái, đi vào trung tâm Nhơn trạch, chúng tôi tìm được con đường nhỏ rẽ phải để đến nhà cổ. Nếu tôi nhớ không lầm đó là tỉnh lộ 771 hay 772 gì đó. Đi khoảng vài cây số, chúng tôi dễ dàng tìm thấy căn nhà tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn bên trái đường. Nhà đã xây dựng gần trăm năm nhưng trông vẫn còn mới và được chăm sóc kỹ càng. Chủ nhà là một người đàn ông trên sáu mươi hiền lành, niềm nở mang nét đặc trưng Nam bộ. Ông và gia đình có vẻ mãn nguyện được vui sống và gìn giữ căn nhà mang tính lịch sử lâu đời của dòng tộc. Ông cho phép chúng tôi được chụp hình từ bên ngoài nhà để tránh làm xê dịch và hư hỏng các vật dụng trong nhà. Căn nhà rõ ràng đã mang lại ấn tượng lớn cho chúng tôi nên chúng tôi chụp khá nhiều hình, nhất là các đồ nội thất và vật trang trí bên trong.
Các bạn có thể xem hình tại:
http://picasaweb.google.com/hak.click/NhacoNamboDongnai11072010?authkey=Gv1sRgCICSn-qpoZe7vQE
Và tham khảo tài liệu về căn nhà cổ này từ trích đoạn của tác giả Nguyễn Thanh Lợi đăng trên Website:
http://picasaweb.google.com/hak.click/NhacoNamboDongnai11072010?authkey=Gv1sRgCICSn-qpoZe7vQE
Và tham khảo tài liệu về căn nhà cổ này từ trích đoạn của tác giả Nguyễn Thanh Lợi đăng trên Website:
"... ĐỒNG NAI
Ngôi nhà mang tên Đạt Đức đường nhưng nhân dân địa phương quen gọi là nhà Hội đồng Liêu, tọa lạc ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Nhà được xây dựng cách nay khoảng một trăm năm. Do nhà có tới 114 cột, nên một tốp thợ thi công gồm 10 người đã phải mất hai năm mới hoàn tất ngôi nhà.
Nhà có dạng chữ đinh, nằm khuất sau hàng rào quýt dại và sau những tán lá xanh tươi của vườn sầu riêng, hài hoà trong cảnh vật của làng quê thanh bình. Bước vào hiên nhà là những mảng điêu khắc hoa, lá, trái cây sống động trên khung cửa, trên các khuôn bông và trước những kèo hiên chạm khắc những cành lá được cách điệu khéo léo thành những con rồng như đang vươn ra đỡ mái hiên nhà. Nội thất, cách bài trí cho đến các vật dụng đều được duy trì từ ngày đầu xây dựng ngôi nhà cho đến nay. Ba gian thờ đều nằm sát vách và còn đầy đủ những tự khí như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa, chò tử quả được bài trí đúng cách: đông bình tây quả.
Nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo như các thành kèo, khuôn bông, các mảng cánh én hay những khung cửa buồng. Đặc biệt ba bức bao lam của những gian thờ là những tuyệt tác chạm lộng với những đoá hoa sen nở xòe trong dáng điệu gợi cảm thanh cao, những dải hoa lá xen nhau mềm mại, uyển chuyển, sinh động. Một đôi chim thiêng, dáng như chim phượng với cánh và đuôi xoè ra như múa. Các bức đại tự, bức liễn sơn son thếp vàng hay cẩn xà cừ chứa đựng những ước nguyện của người xưa càng làm cho không gian ngôi nhà có thêm một vẻ đẹp sâu xa... "
Hưng chụp hình dạo này lên tay quá! Rất thích tấm ảnh đĩa sứ bên khung cửa!
ReplyDelete