Sunday, August 22, 2010

Cá lóc nướng lá sen – đặc sản Đồng Tháp

Hôm 30/4/2010 lúc đa số bà con đổ xô ra biển hay lên Đà Lạt để nghỉ mát, gia đình tôi và T trực chỉ Tây tiến, đi du lịch miệt vườn, về thăm sông nước miền Tây chính hiệu. Mục tiêu là đi ngắm cầu Cần Thơ mới khánh thành, nhưng kết hợp ghé qua Sa Đéc thăm nhà vườn của chị Tư. Đây là nhà nghỉ của gia đình, chỉ có một căn nhà nhỏ ở giữa mảnh vườn rộng tổng cộng khoảng 1000 m để chị trồng các loại rau và cây ăn trái ‘thử nghiệm”: vài gốc xoài, mận, lý, bưởi, cam… Nhưng đặc biệt nhất là trước nhà có một cái ao be bé trồng đầy sen.

Nghe tin có khách, chị Tư nhờ chị hàng xóm đặt mấy người quen đi nơm cá đem tới mấy con cá lóc đồng, khoảng 800g-1 kg, bằng cái bắp tay cu Ti con T, để làm cá nướng lá sen. Trong lúc chị Tư ướp cá với gia vị, bột nêm, & hành cho thấm, tôi ra ao lấy cây khoèo hái lá sen, lựa mấy lá già, màu xanh thẫm, rồi thêm mấy cái lá non (để làm gì thì … hồi sau sẽ rõ), và còn thêm được mấy cái gương sen tươi rói nữa.

Chị Tư trải mấy lá sen xanh ngắt, đặt con cá lóc đã được ướp, rải lên vài cánh sen hồng, và cuối cùng là ngắt những nhụy sen vàng lên trên, đúng là một tác phẩm ẩm thực nhiều màu sắc và độc đáo. Cá được gói kín lại, cho lên bếp than cháy đỏ mà nướng. Trong lúc đó P (vợ T) & tôi chuẩn bị các loại rau (nhà lá vườn), dưa leo, chuối chát, và lá sen non cắt nhỏ, dọn bún, nước mắm tỏi ớt ra.



Bàn ăn dã chiến được dọn ngay dưới hiên nhà, bên cạnh cái bếp than đỏ rực. Lá sen cháy cho mùi thơm nồng đượm hương vị đồng quê. Khi lá vừa cháy tới là lúc cá vừa chín. Cuốn bánh tráng với ít bún, rau vườn, lá sen non (có vị hơi nhẫn), và miếng cá thơm lừng, rồI chấm với nước mắm, ngon tuyệt cú mèo, ngon như chưa bao giờ được ăn cá lóc cuốn bánh tráng. Cá đồng tươi thấm mùi lá sen, hoa sen, nhụy sen có hương vị thơm rất lạ, tuy dân dã mà lại rất thanh thoát. Nước uống cũng là trà lá và nhụy sen nấu, có mùi thơm thoang thoảng, mát rượi.

Quả là một bữa ăn đặc sắc, khó quên…

P/S: Tặng gia đình T-P-Bi và Ti bài viết và album hình
http://picasaweb.google.com/hak.click/SadecCantho01052010?authkey=Gv1sRgCLvI08Xw-J6ZCg

Tuesday, August 17, 2010

"Đi uống café"

Tôi được may mắn sống trong một khu vực có rất nhiều quán café nổi tiếng của thành phố. Nào là Bố già, Brodard, Du miên, Vô thường, riêng trên con đường nhà tôi ở thì đã có đến mấy quán café to đùng và rất đông khách như Cõi riêng, Serenata, Miền đồng thảo. Tôi rất tự hào về cái khoản được ở gần các quán café nổi tiếng và thật thú vị khi được đi bộ ra quán để nhâm nhi với bạn bè vào mỗi sáng Chủ nhật. Thi thoảng có họ hàng Việt kiều về thăm quê hương, tôi cũng ân cần dẫn họ ra quán café gần nhà để họ có thể thưởng thức hương vị café Việt Nam trong khung cảnh thi vị của sân vườn và tiếng đàn dương cầm “tứng, từng, tưng”. Ở xứ lạnh thì chắc khó mà có cảnh ngồi ngoài trời ngắm trăng sao và uống café “đá” như ở Việt Nam. Quả là khí hậu làm thay đổi văn hóa hưởng thụ ẩm thực của các vùng, miền và chính vì vậy mà cuộc sống con người ta thật là phong phú và hấp dẫn.

Đặc điểm của hầu hết các quán café gần nhà tôi là café sân vườn và chơi các thể loại nhạc xưa như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy … hoặc nhạc Pháp của thập niên 70. Tôi rất thích các loại nhạc này vì tôi đã bắt chước các anh chị trong nhà nghêu ngao hát từ khi còn rất bé và nó theo đuổi tôi cho đến tận bây giờ. Ca sĩ thường không phải người nổi tiếng, nhưng chính vì vậy họ hát thật tự nhiên, không cầu kỳ và mang cảm xúc cho người nghe bằng chính sự bình dị, không phô trương của mình。Quán café ngày nay đã chú trọng đến vấn đề thiết kế tạo cho mình một nét riêng để thu hút khách hàng, nhưng nhìn chung là một không gian sân vườn rộng, thóang mát, âm nhạc du dương để khách có thể thư giãn vừa uống café, vừa chuyện trò to nhỏ với bạn bè, người yêu…

Tôi còn nhớ là tôi biết uống café khi vào đại học, thời đó, bạn bè gặp nhau chỉ biết rủ nhau ra quán … café vì chẳng biết đi đâu nữa. Có ngày tôi uống đến mấy cữ café và dần dà trở thành thói quen khó bỏ. Có lẽ có nhiều người giống tôi, nên tôi thấy “đi uống café” không còn là chuyện riêng của tôi mà có lẽ đã trở thành nét văn hóa của người thành phố. Với tôi đi uống café là một cách thư giãn nhẹ nhàng, tương đối rẻ tiền và có lẽ là không hại cho sức khỏe (nếu có chỉ là vì bạn hút thuốc khi uống café hoặc bị “muỗi cắn” mà thôi). Tôi thường uống café với bạn bè vào sáng Chủ nhật, vì đó là thời điểm mọi người đều thư thả và có thể khề khà đến trưa mới lết về nhà. Có muôn nghìn câu chuyện có thể nói trong một lần đi uống café như là để giải tỏa mọi áp lực sau một tuần làm việc mệt mỏi. Người nghe cũng rất hào hứng vì được bày tỏ chân thật chính kiến của mình hơn là chuyện cứ suốt ngày nghe sếp giảng giải mọi thứ.

Tôi không biết rõ lắm,  có lẽ uống café đã du nhập vào nước ta từ thời thuộc địa, nhưng cho đến giờ theo tôi nó là nét văn hóa rất riêng của người Việt, nhất là người thành phố. Tôi yêu nét văn hóa ấy biết dường nào!

Friday, August 13, 2010

Nhà cổ Nam bộ

Số là vợ chồng Sơn đã quyết tâm xây dựng một tổ ấm mới trên miếng đất 300 m2 ở Thủ đức với rất nhiều ý tưởng "vĩ đại" được đưa ra cho bên thiết kế. Câu đố của chủ nhà là làm sao có sự kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây giữa tính hiện đại và sự hoài niệm. Sơn là người miền Tây nên hắn vẫn thích hình ảnh của một nhà rường Nam bộ trong không gian hiện đại của căn nhà mới. Phản gỗ nâu sòng, mái ngói âm dương được chống bởi các cột gỗ to nổi bật trên nền gạch tàu là một vài nét đặc trưng văn hóa của nhà xưa miền Tây. Tôi thích ý tưởng đó của Sơn vì bản thân tôi cũng muốn có một không gian thư giãn mang vẻ hoài cổ, nét chân phương và sự tĩnh lặng của miền quê sông nước. Bản chất con người là sự hoài niệm mà, right?

Với tư tưởng "Tìm về nét văn hóa cổ xưa", Sơn đã rủ chúng tôi đi thăm nhà cổ Nam bộ ở Nhơn trạch và nơi chuyên dựng nhà cổ ở Bình dương. Điểm đặc biệt của chuyến đi này là chỉ toàn là các ông bao gồm 4 ông già - Sơn, T, K, H (gần 50 tuổi) và 1 ông trẻ (vừa qua 5 tuổi - Ti con T). Chắc chỉ có mấy ông mới khoái ba cái vụ "hoài cổ" này chắc? Căn nhà cổ tương đối dễ tìm. Sau khi qua phà Cát lái, đi vào trung tâm Nhơn trạch, chúng tôi tìm được con đường nhỏ rẽ phải để đến nhà cổ. Nếu tôi nhớ không lầm đó là tỉnh lộ 771 hay 772 gì đó. Đi khoảng vài cây số, chúng tôi dễ dàng tìm thấy căn nhà tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn bên trái đường. Nhà đã xây dựng gần trăm năm nhưng trông vẫn còn mới và được chăm sóc kỹ càng. Chủ nhà là một người đàn ông trên sáu mươi hiền lành, niềm nở mang nét đặc trưng Nam bộ. Ông và gia đình có vẻ mãn nguyện được vui sống và gìn giữ căn nhà mang tính lịch sử lâu đời của dòng tộc. Ông cho phép chúng tôi  được chụp hình từ bên ngoài nhà để tránh làm xê dịch và hư hỏng các vật dụng trong nhà. Căn nhà rõ ràng đã mang lại ấn tượng lớn cho chúng tôi nên chúng tôi chụp khá nhiều hình, nhất là các đồ nội thất và vật trang trí  bên trong.

Nhìn chủ nhân và cách bài trí của căn nhà tôi cảm thấy lạc lõng trong không khí yên bình nơi đây. Sự tĩnh lặng của nó như một bức tường vô hình  ngăn cách với thế giới thành thị mà tôi đang sống. Đây quả là chốn riêng để suy ngẫm và chiêm ngưỡng một góc văn hóa Nam bộ.





Các bạn có thể xem hình tại:
http://picasaweb.google.com/hak.click/NhacoNamboDongnai11072010?authkey=Gv1sRgCICSn-qpoZe7vQE

Và tham khảo tài liệu về căn nhà cổ này từ trích đoạn của tác giả Nguyễn Thanh Lợi đăng trên Website:
"... ĐỒNG NAI

Ngôi nhà mang tên Đạt Đức đường nhưng nhân dân địa phương quen gọi là nhà Hội đồng Liêu, tọa lạc ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Nhà được xây dựng cách nay khoảng một trăm năm. Do nhà có tới 114 cột, nên một tốp thợ thi công gồm 10 người đã phải mất hai năm mới hoàn tất ngôi nhà.

Nhà có dạng chữ đinh, nằm khuất sau hàng rào quýt dại và sau những tán lá xanh tươi của vườn sầu riêng, hài hoà trong cảnh vật của làng quê thanh bình. Bước vào hiên nhà là những mảng điêu khắc hoa, lá, trái cây sống động trên khung cửa, trên các khuôn bông và trước những kèo hiên chạm khắc những cành lá được cách điệu khéo léo thành những con rồng như đang vươn ra đỡ mái hiên nhà. Nội thất, cách bài trí cho đến các vật dụng đều được duy trì từ ngày đầu xây dựng ngôi nhà cho đến nay. Ba gian thờ đều nằm sát vách và còn đầy đủ những tự khí như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa, chò tử quả được bài trí đúng cách: đông bình tây quả.

Nhiều chi tiết được chạm trổ rất tinh xảo như các thành kèo, khuôn bông, các mảng cánh én hay những khung cửa buồng. Đặc biệt ba bức bao lam của những gian thờ là những tuyệt tác chạm lộng với những đoá hoa sen nở xòe trong dáng điệu gợi cảm thanh cao, những dải hoa lá xen nhau mềm mại, uyển chuyển, sinh động. Một đôi chim thiêng, dáng như chim phượng với cánh và đuôi xoè ra như múa. Các bức đại tự, bức liễn sơn son thếp vàng hay cẩn xà cừ chứa đựng những ước nguyện của người xưa càng làm cho không gian ngôi nhà có thêm một vẻ đẹp sâu xa... "