Tuesday, September 21, 2010

Tràm Chim Tam Nông

Chuyến đi Tràm Chim được quyết định trong chớp nhoáng khi đưa Ngoại về Cao Lãnh. Từ thị xã Cao Lãnh đi Tam Nông khoảng 30 km, đường tốt, nên chỉ mất tròm trèm khoảng 1 tiếng. Đường đi Tràm Chim không thể lẫn vào đâu được vì bạn sẽ thấy cây xăng Tràm Chim, trường tiểu học Tràm Chim, trường THPT Tràm Chim....



Trước giờ tôi cứ tưởng Vườn Quốc Gia Tràm Chim là khu vườn rộng hơn 7 ha và chuẩn bị tinh thần để ... lội bộ. Nhưng không, Tràm Chim là một khu đất ngập nước nên phương tiện đi lại duy nhất ở đây là tác ráng hay xuồng chèo.

Rồi những cánh đồng sen bạt ngàn và  bông súng chen chúc nhau ...  Và tất nhiên, loài cây chủ đạo của vườn là cây tràm. Hoa tràm có mùi thơm dịu, thu hút rất nhiều ong đến làm tổ. 

Sức sống của cây tràm thật mãnh liệt. Cách đây hơn 3 tháng, Tràm Chim bị cháy dữ dội,  nhưng giờ thì những chồi xanh đã vươn lên từ những gốc cây còn đen xì. Con kênh đào ở giữa rừng cũng là một giải pháp giúp đám cháy ở khu A không lan sang bờ bên kia.



Tràm Chim là nơi trú ngụ của hơn 200 loài chim. Khoa, người hướng dẫn của chúng tôi nhận dạng các loài chim bằng hình dáng, màu sắc, và cả tiếng kêu của chúng.  Có những chú chim bói cá dạn dĩ từ trên cao chao mình xuống nước để bắt cà, và giấu mình dưới nước khi thuyền của chúng tôi đến gần, và những chú công đất.


 
Năm nay nước nổi chậm, tuy nhiên phần lớn chim chóc đã di cư, nên chúng tôi không gặp được con sếu nào cả. Muốn ngắm sếu, phải chờ đến mùa nước rút khoảng tháng 2, đầu tháng 3, sếu sẽ về kiếm ăn từng đàn. Nhất định chúng tôi sẽ trở lại..  Từ trên đài quan sát ở trạm dừng chân, bạn có thể nhìn thấy gam màu xanh phong phú của các loài thực vật, từ màu xanh nhạt của sen, đến màu xanh tươi của lúa, và màu xanh sẫm hơn của cỏ năng.

 
  TT Du Lịch Sinh Thái và Giáo Dục Môi Trường
067 3827436 – 3827081



Monday, September 20, 2010

Làng tre Phú An

Đia điểm: Cách TP HCM 40 km. Bạn có thể đi đường QL 13 từ TP HCM đến thị xã Thủ Dầu Một, qua khỏi công viên Thành Lễ, nhìn bên tay trái có đường đi Dầu Tiếng thì rẽ trái và đi thẳng đường Nguyễn Chí Thanh. Hết đường NCT thì sẽ gặp tỉnh lộ DT 744, đoạn này đường đang làm nên hơi nhiều ổ ...trâu và lầy lội; băng qua 1 cây cầu nhỏ cũ kỹ (bảng tên cầu bị rỉ sét nhìn không ra- hình như là cầu Ông Cộ), đi một đoạn khoảng x (km) thì bạn sẽ thấy cổng vào Làng Tre Phú An, kế bên Bảo Tàng Sinh Thái của tỉnh Bình Dương.

Hai hàng tre chụm đầu thành một mái nhà xanh mát rượi làm cảm giác mệt mỏi sau chặng đường bụi bặm mau chóng tan biến. Theo chân Hà Phương, hướng dẫn viên của Làng Tre, chúng tôi bắt đầu chuyến phiêu lưu tre dọc đường đất nước.

Đây là phiến đá trên đường vào, khắc tên bộ sưu tập tre Việt Nam, dành tặng GS Phạm Hoàng Hộ, tác giả bộ sách đồ sộ Cây Cỏ Việt Nam, bửu bối gối đầu giường của những nhà nghiên cứu thực vật học. Thời còn bé tôi thường nghe các anh chị họ đều là giảng viên ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhắc đến Thầy Hộ đầy thán phục. Ở nhà tôi ngày trước cũng có bộ sách này, không biết từ đâu ra, vì ba tôi đâu phải là dân làm khoa học... Làng tre là công trình nghiên cứu  của cô Diệp Thị Mỹ Hạnh từ năm 2003-2007

Đầu tiên là những loại tre trồng ở miền Bắc, như luồng, tre mai, vầu, nứa, tre gai, và ấn tượng nhất với tôi là cây tre đằng ngà vàng bóng, có sọc xanh, loại tre ngày xưa Thánh Gióng dùng để đánh giặc Ân.

Rồi đến những loài tre ở miền Tây Nguyên như tre lồ ồ, và những loài ở miền Đông và Nam bộ như tầm vông, le, tre tàu, mạnh tông. Hàng trăm loài tre, màu sắc, hình dáng khác nhau, mà chỉ trong một chuyến đi ngắn không đem sổ sách ghi chép thì sẽ khó mà nhớ được, nhất là với bộ nhớ U 50 này. Vì vậy các bạn học sinh nếu có ghé thăm làng thì nhớ đem theo sổ tay & máy chụp hình hay quay phim theo nhé.

Có ai thấy hoa tre chưa? Nhìn giống bông lúa quá phải không? Vì tre cùng họ với cây lúa mà...

Biểu tượng của Làng là 1 tam giác màu xanh chồng lên 1 tam giác màu nâu, ở giữa là 3 cái lá tre. Đó là mục tiêu biến vùng tam giác sắt thành  tam giác xanh nhờ cây tre.

Tre có nhiều công dụng mà đa số chúng ta ai cũng biết, nhưng có 1 điều tôi mới được biết khi đến Làng tre, là loại tre Bambusa có khả năng hấp thụ được kim loại nặng, vì thế có khả năng cải tạo được môi trường và đất đai ở một số vùng bị ô nhiễm. Thú vị thật!

Bảo tàng sinh thái  tre được thiết kế khá độc đáo. Công trình này được tài trợ của vùng Rhône-Alpes và vườn thiên nhiên Pilat. Bạn sẽ được giới thiệu  cặn kẽ về các bộ phận của tre, các loài  tre, 1 số tính chất lý tính & hóa học của cây tre – có cả 1 thí nghiệm về độ dẻo dai của cây tre., và công dụng của tre. Chỉ hơi tiếc là những tấm mành giải thích rất rõ ràng về các loài tre bằng 3 thứ tiếng Anh – Pháp – Việt đã bám bụi và ố vàng, thiếu sự quan tâm, chăm chút đáng có cho 1 công trình đặc sắc mà hẳn cô Hạnh và công sự đã dồn  rất nhiều tâm huyết để hình thành này...

TB: Các bạn nhỏ nhớ đem thuốc chống muỗi và dầu để xoa khi bị kiến cắn nhé. Làng Tre cũng là 1 bộ sưu tập khá phong phú về các loại kiến (đen, lửa, vàng...) và muỗi đấy. Muỗi
ở đây rất dạn dĩ và ... friendly (hihi), đuổi mà không đi nên bạn đành phải ra tay sát sanh vậy.
ĐT:  Làng Tre 06503580717
Tham khảo hình tại: